Bạn biết không, theo thống kê gần đây, trong số những sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam thì trong khoảng khoảng 63% có tấm bằng cử nhân thất nghiệp, chỉ có 37% là có việc làm. Nhưng trong 37% đó thì có đến 30% sinh viên làm trái ngành nghề đã học, và một điều bất ngờ hơn nữa là trong 7% còn lại thì duy chỉ có 2% chia sẻ rằng họ yêu thích và hài lòng với công việc hiện tại của mình, 5% kia mặc dù làm đúng ngành nhưng lại hoàn toàn không hài lòng với công việc và thường xuyên phải chịu nhiều áp lực. Thật ngạc nhiên phải không!
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng, tại sao chỉ có 2% ít ỏi là hài lòng với công việc mà mình đã chọn, và liệu rằng, bản thân bạn, sau từ 3 tới 5 năm học đại học, cao đẳng, có nằm trong 2% đó hay không? Tôi nghĩ rằng, gap year sẽ góp phần đưa bạn vào 2% những người hài lòng với công việc sau khi ra trường.
Câu hỏi “Sau này bạn muốn làm gì?” có lẽ là một trong số những câu hỏi gây khó khăn cho các bạn hiện nay, đặc biệt là những học sinh cấp 3 đang phải đắn đo chọn trường, chọn ngành nghề hợp với bản thân. Tôi tin chắc rằng, có rất nhiều học sinh không xác định được bản thân mình sẽ thi vào trường nào, chọn học ngành nghề nào hay thậm chí không biết bản thân mình thích gì. “Gap year” sẽ giúp bạn trả lời.
Mỗi cá nhân trong chúng ta nên có một khoảng thời gian để trải nghiệm, học tập những điều bổ ích từ cuộc sống thực tiễn chứ không phải chỉ trong sách vở. Nếu bạn trải nghiệm, bạn sẽ biết mình thích và hợp với công việc nào. Nếu bạn thích làm một tình nguyện viên, hãy tham gia vào đội tình nguyện. Nếu bạn muốn đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm và tiếp xúc với cuộc sống, hãy thực hiện ngay. Bạn nghĩ bạn phù hợp với công việc nào đó, hãy thử làm nó. Nếu không hợp như bạn đã nghĩ, thì cũng không sao cả, vì đó chỉ là trải nghiệm mà thôi. Có lăn xả vào thực tế, bạn mới có được nhiều kinh nghiệm. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng mình sẽ phù hợp với một công việc nào đó, tin rằng sau khi ra trường mình sẽ có một công việc tốt nếu chăm chỉ học tập. Nhưng sau khi làm việc thì lại nhận ra là mình không hề hợp với công việc đó, lúc này, bạn có cảm thấy tiếc nuối đến đâu đi chăng nữa thì cũng đã quá muộn bởi bạn đã lãng phí quá nhiều thời gian trước đó để tập trung vào một công việc thật ra không phù hợp với mình.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, “ gap year” vẫn chưa phổ biến. Hơn nữa, gánh nặng về một tấm bằng đại học luôn luôn được đặt lên cao. Vì vậy, rất ít học sinh dũng cảm dành cho mình một năm trải nghiệm sau khi hoàn tất chương trình trung học phổ thông. Một nguyên nhân chính nữa là ảnh hưởng từ gia đình. Liên quan đến “gap year”, có rất nhiều phụ huynh cho rằng đó chỉ là một việc làm lãng phí thời gian học tập của con em mình trong khi mục tiêu trước mắt là phải đậu đại học. Nhưng họ lại không hề nhận ra một điều là đậu đại học không phải là tất cả và cũng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. có rất nhiều bạn sau khi học đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân nhưng vẫn thất nghiệp. Vậy nên các bậc cha mẹ hãy nên cho con em mình một năm để làm những việc yêu thích, dù đó là công việc bán hàng, tình nguyện hay gì đi nữa thì chắc chắn công việc đó sẽ cho các bạn kinh nghiệm từ chính cuộc sống và cho bạn những mối quan hệ.
Thử nghĩ xem, sau khi tốt ngiệp ra trường và đi xin việc, các công ty cần những gì ở bạn? Câu trả lời chắc chắn là “ kinh nghiệm và những mối quan hệ”. Bạn nên nhớ rằng, các công ty cần tuyển nhân viên có kinh nghiệm thực tế, biết xử lí tình huống chứ không cần một con “robot” làm việc máy móc và chỉ biết đến những kiến thức trong sách vở. Vậy thì tại sao chúng ta lại nói không với “ gap year”? Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Vấn đề là liệu bạn có dám thử hay không? Hãy mạnh dạn nêu rõ quan điểm của mình với gia đình, F5 lại bản thân và cho mình một năm để làm những điều yêu thích trước khi vào đại học. Biết đâu rằng chính “gap year” sẽ là cơ hội dẫn dắt bạn đến thành công, hay ít nhất cũng sẽ giúp bạn yêu thích và hài lòng với công việc sau này mà bạn làm. Điều này thật tuyệt vời phải không!!
Thanh Trúc – CTV INEC