Là “thành phố thứ hai” của Anh Quốc, nổi lên nhờ sự đồ sộ về dân số và nên công nghiệp, Birmingham chưa bao giờ là điểm đến yêu thích của khách du lịch. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài cứng nhắc đó lại là một thành phố đẹp lạ với mọi màu sắc và góc cạnh. Thành phố với đủ nền văn hoá các nước với một trung tâm kinh tế đồ sộ như New York nhưng vẫn huyền bí và dịu dàng với những đường cong dọc theo các con kênh như một Venice thu nhỏ.

Vỡ mộng… ở Birmingham

Kiểm tra checklist trước khi đi, vé máy bay, hộ chiếu và 3 chiếc vali đầy ụ đồ, tôi háo hức cho chuyến bay dài 17 tiếng đến thành phố Birmingham của nước Anh. Mặc dù không biết nhiều về xứ sở sương mù này nhưng tôi có thể mường tượng ra những lâu đài cổ kính như trong Harry Potter, những con người tri thức và lịch lãm rảo bước trên phố. Nắng sớm trong vẹo rọi thẳng xuống từng con đường, từng mái nhà và những cửa tiệm rực rỡ sang trọng hiện ra trong đầu khi nhắc tới nước Anh. Đủ thứ cảm xúc đan xen lẫn nhau trong chuyến bay lần đầu xa nhà cả chục ngàn cây số khiến tôi mong giây phút được đặt chân đến Birmingham hơn bao giờ hết.

Chỉ là, khi đến rồi thì tôi lại mong được về nhà hơn. Đoạn đường từ sân bay về đến khu nhà ở Perry Barr khiến tất cả hồi hộp và háo hức biến mất và thay vào là sự thất vọng ngỡ ngàng. Thời tiết sang đông bắt đầu trở lạnh, chỉ cần một cơn gió thổi là đủ rét run, người dân đa phần là những người da màu nhập cư, lác đác vài cửa tiệm off licencse của mấy anh chàng Ấn Độ. Đi khỏi trung tâm thành phố, càng đồ về phía bắc, những toà nhờ gạch đỏ cũ kĩ với lối kiến trúc na ná nhau bắt đầu hiện ra. Được gọi là Thành Phố Thứ Hai của Anh Quốc, những tưởng tôi sẽ được sống ở một trong những thành phố lớn phát triển và hào nhoáng, nhưng sự thật là Birmingham đứng thứ hai về… mật độ dân cư, và tỉ lệ những người nhập cư, da màu, dân lao động cao là hệ quả của sự đông dân này.

Birmingham nằm ở khu trung tâm của miền trung tây nước Anh. Người dân ở khu vực này có một giọng Anh khá nặng và sử dụng nhiều thổ ngữ khiến một người mới đến như tôi khó có thể thích nghi ngay được. Vậy là cả con người, cảnh vật và ngôn ngữ ở cái xứ sở này đều khiến tôi thở dài ngao ngán, tự nhủ không biết rằng ba năm học ở thành phố này liệu sẽ tẻ nhạt đến đâu.

Vẻ đẹp pha trộn

Birmingham, hay còn có nickname là Brum, chắc chắn không phải là một thành phố nhận được nhiều lời khen tích cực, thậm chí từ chính người dân nước Anh. Bằng chứng là một vài người bạn Londoner của tôi thường hay nhắc đến Birmingham bằng một cái nhăn mặt hoặc pha trò với một giọng nặng chất “địa phương” Brum. Thế nhưng sống ở thành phố này lâu hơn một chút, tôi bắt đầu nhận ra những thứ mà càng được đi nhiều càng nhận ra là mình thiếu, và ở Birmingham, tôi có những thứ đó.

Xem thêm:  Những lưu ý về chứng minh tài chính khi du học Anh

Ở những thành phố lớn luôn có các khu phố Tàu đặt giữa trung tâm, Birmingham cũng không ngoại lệ. Đi bộ khoảng 8 phút từ Bullring là có thể đến khu phố Tàu tràn ngập các quán ăn Trung Quốc, chợ thực phẩm mà bạn hoàn toàn có thể tìm được các loại gia vị, đồ ăn châu Á. Dù bạn có thể sử dụng thẻ ở mọi nơi trên Birmingham nhưng đừng quên cầm theo vài chục bảng tiền mặt khi đến khu phố Tàu. Ở một vài quán ăn nhỏ, họ chỉ nhận tiền mặt, hãy để ý bảng báo trước khi vào quán nếu bạn không muốn lúng túng vì có tiền mà không tiêu được.

Xem thêm:  Ẩm thực Anh quốc

Thành phố sau hoàng hôn

Ở Anh có một loại “văn hoá buổi chiều” là ngồi pub làm vài cốc bia hoặc nhâm nhi tách trà chiều, đặc biệt vào mùa hè, người ta tràn ra đường để sưởi nắng, để có làn da nâu đen khoẻ mạnh, thì những hàng quán phục vụ “văn hoá buổi chiều” này lại càng đông đúc. Đi dọc con kênh Birmingham, bạn sẽ được tận hưởng không khí náo nhiệt với những quán bar, pub ở hai bên kênh, chỗ ngồi nhìn thẳng ra vài chú thiên nga đang bì bõm bơi lội trên mặt nước. Có một buổi chiều đầu hè, khi nắng còn chưa gắt và gió chiều thôi qua vẫn se lạnh, tôi và một đứa bạn rủ nhau ra một quán trà nằm cạnh sườn con kênh, thưởng trà (pha sữa), hít thở bầu khí, ngắm cảnh và đắm mình trong cái nắng dịu. Trải nghiệm quá đỗi yên ả và nhẹ nhàng để tôi phải nhớ mãi, một buổi chiều tà giữa trung tâm đông đúc và ồn ã, vẫn êm dịu mà thanh cảnh.

Nếu đã có ai đến Venice, thì hẳn sẽ “vô tình” mà yêu những con phố nhỏ, những đoạn kênh dài, những chiếc thuyền dập dìu trên sóng nước. Người ta bảo rằng Birmingham còn nhiều con kênh hơn ở Venice, cứ đi theo lối đường bộ của Regency Wharf, khi những hàng quán nhỏ xinh nối nhau sát sát dọc hướng đi của những chiếc thuyền dài đi khắp con kênh, bạn sẽ cảm giác như lạc vào một Venice thu nhỏ. Sẽ có những nghệ sĩ đường phố đàn hát, những nhóm người trẻ túm tụm bên cốc bia, hay những cặp đôi đứng tuổi nhâm nhi li vang đỏ nồng nàn, hoàn tất cho bức tranh phong cảnh rực rỡ lung linh này.

Cuộc sống về đêm ở Birmingham cũng rất nhộn nhịp. Nếu ban ngày là một cô gái công sở bận rộn khoác trên mình bộ suit cứng nhắc thì khi đêm đến, Birmingham hoàn toàn biến thành một cô nàng gợi cảm với chiếc váy hở vai quyến rũ. Dọc theo Broad Street là đủ những quán bar, club cho mọi lứa tuổi. Từ những bác trung niên thích khiêu vũ, mê mẩn dòng nhạc disco từ những năm 80s đến những cô cậu sinh viên muốn giải toả hết căng thẳng của bài vở, thi cử mỗi dịp cuối tuần. Nếu không muốn bị bảo vệ chặn lại ở cửa, nếu bạn có ý định ghé vào bar một cuối tuần nào đó, đừng quên mang theo giấy tờ chứng minh tuổi của bạn. Ở Anh, nếu bạn chưa đủ tuổi thì đặt chân vào bar, club sẽ không hề dễ dàng như ở Việt Nam vì họ kiểm tra rất chặt chẽ. Điểm đến ưa thích của sinh viên mỗi dịp cuối tuần là Gatecrasher. Nơi đây thường xuyên tổ chức các sự kiện dành cho những tân sinh viên và cả “lễ tốt nghiệp phụ” cho những người vừa ra trường. Bạn có thể mua một shot rượu với khoảng từ 3-5 bảng, nếu không muốn phải xếp hàng mua rượu nhiều lượt, hãy nhớ mua vài shot một lúc, vì lượng khách cuối tuần ở đây rất đông.

Xem thêm:  Du học Anh từ lớp 11 nên chọn khóa A Level hay dự bị đại học?

Mùa Giáng sinh, mùa yêu thương

Giáng sinh là một ngày lễ trọng đại ở các nước châu Âu, những con người bị cuốn đi theo nhịp sống bận rộn sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho nhau, những ngôi nhà đã sáng đèn và quây quần bên bếp lửa mỗi tối, cái siết tay của những người yêu nhau cũng chặt hơn, cái ôm cũng ấm áp hơn. Mùa lạnh khiến con người trở nên dịu dàng và cần nhau. Cứ mỗi dịp Giáng sinh, Hội đồng Birmingham lại tổ chức hội chợ ẩm thực, hay con gọi là chợ Đức, ở giữa trung tâm thành phố. Trải dài từ New Street đến Broad Street, mùi thơm sực nức và cái ấm của thịt hun, xúc xích, thịt bò nướng ướp whiskey cứ lan toả khắp theo lối người đi. Đi một đoạn có lẽ lại phải dừng lại một chút, để ngó nghiêng miếng thịt bò ươm vàng trên lò lửa, hay những miếng mỡ lợn thơm phức đặt trên chiếc đĩa giấy mê hoặc dạ dày người đi đường. Không chỉ nổi bật trong mắt du khách, người dân ở đây cũng háo hức và rộn ràng hơn khi những quầy hàng bắt đầu được dựng lên giữa thành phố. Buổi tối ở đây trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết với đủ thứ màu và mùi. Đèn sáng hắt ra từ những quầy hàng nhỏ xinh, chạy dài New Street và ôm lấy quảng trường Victoria. Cứ mỗi năm vào mùa này, tôi thường rủ vài người bạn đến uống rượu vang mật ong, thứ rượu nóng hổi, thơm nồng và dễ làm người ta chuếnh choáng. Ở đây có rượu vang trắng, vang đỏ `hâm với mật ong để khách lựa chọn, cầm ly rượu hình cái sừng trên tay, hít hà mùi hương pha trộn của rượu vang và mật ong trong cái lạnh buốt cuối năm thực sự là một cảm giác hạnh phúc và ấm áp nhất giữa lòng thành phố đông đúc này.

Người ta nói, “đừng đánh giá một quyển sách qua cái bìa”, Birmingham cũng là một quyển sách vậy. Đằng sau vẻ gai góc, khô cứng của một thành phố công nghiệp là một cuộc sống vẫn yên ả dù đôi khi hối hả, nhẹ nhàng nhưng vẫn nhộn nhịp những mùa lễ hội. Sống ở thành phố này một thời gian, tôi dần cảm nhận được cái vẻ đẹp mặn mà nhưng luôn tươi mới, như là bóc một củ hành tây vậy, sau lớp này lại là một lớp khác, có thể sẽ cay mắt một chút lúc đầu, nhưng hương vị về sau thì rất tuyệt.

Nguyễn Vương

Khoá học: Media & Communication (PR) 2010-2013

Trường: Birmingham City University

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here